Người Sài Gòn xúng xính áo ấm
showBeforeLead($data); ?>
Trời đang nắng chang chang đột ngột mưa dầm 2 ngày, nhiệt độ giảm xuống còn 20-23 độ C khiến TP HCM chớm lạnh vào buối sáng và về đêm. Người Sài Gòn như lạ hẳn với áo khoác, khăn quàng cổ.
showAfterLead($data); ?>
Đối với xứ phương Nam đầy nắng như TP HCM, những đợt không khí se lạnh thật hãn hữu. Người miền Nam ít khi cần đến chiếc áo ấm trong năm.
Những ngày qua trời Nam bộ trở lạnh, ở mức 20-23 độ, với người xứ Bắc là bình thường, còn với Sài Gòn "đã lạnh lắm".
Sáng nay cứ ngỡ không đến mức rét, đưa con đi học, chị Xuân nhà ở quận Phú Nhuận không mang theo áo ấm. Song chỉ đi được một đoạn thì cô con gái học lớp 3 đã run run sờ tay mẹ bảo "mẹ ơi, tay con đóng băng". Người mẹ phải vội vàng dừng xe lại bên đường mua ngay chiếc áo chống nắng để trang bị chống lạnh cho con.
Thực ra miền Nam đã cảm nhận được cái lạnh từ ba ngày trước. Vào cuối tuần, chị Khuyên (quận 1, TP HCM) đã dành cả ngày thứ 7 để kiểm tra lại tủ quần áo ấm của gia đình, nào quần dài, áo khoác, khăn choàng, vớ, mũ len. "Chiều thứ 6 tôi đi làm về đã thấy cậu con trai 2 tuổi được chị giúp việc mặc quần dài, áo dài tay, thêm chiếc ghi lê, mang đôi vớ, thấy lạ hẳn. Nhóc con đón mẹ cứ líu lo: Mẹ ơi, con ’ạnh ắm’ - tức là lạnh lắm đấy", chị Khuyên kể chuyện.
Thông thường, hai đứa nhóc nhà chị Khuyên vận quần short, áo ba lỗ hay áo đầm sát nách. Quần áo ấm thường được gói kỹ, cất kỹ vào sâu nhất trong tủ quần áo chỉ để phòng những khi về thăm quê ở miền Bắc vào dịp Tết, chứ ít khi dùng đến.
|
Sài Gòn trở lạnh khiến nhiều bạn trẻ phải mặc áo ấm vào buổi sáng. Ảnh: Cao Lâm. |
Chính vì thế, hình ảnh trẻ con đến trường với khăn len áo khoác; người đi đường thu mình trong chiếc áo ấm, với nhiều người dân Sài Gòn, là khá lạ. Những thói quen sinh hoạt hàng ngày của người phương Nam cũng thay đổi theo.
Vốn có thói quen tắm vào sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, anh Huân ở quận 6 cho hay, từ 3 hôm nay anh bỏ hẳn nếp sinh hoạt này. "Ngày cuối tuần bận việc, đến chiều tối mới tắm mà tôi đã lạnh run. Mấy đứa trẻ ở nhà cũng vậy, vừa chạm vào nước đã than lạnh phải chờ mẹ đun nước mới chịu tắm", anh Huân nói.
Còn anh Thái nhà ở quận 9, vừa đến cơ quan đã vội tăng nhiệt độ máy điều hòa lên 26 độ bởi rét. "Ngày thường khi đi đường tôi thậm chí phải phanh ngực áo vì nóng, vậy mà hôm nay mặc cả áo mưa nhưng vẫn còn run", anh Thái nói.
Nếp ăn uống của nhiều nhà cũng thay đổi theo. Vào hai ngày cuối, thay vì chọn món cơm tấm, bò kho, bánh cuốn, nhiều người đã chọn loại thức ăn nóng. Các quán bia vốn đã trở thành nét đặc trưng của trong tiết trời nóng bức phương Nam, mấy hôm nay cũng thưa khách dần, thay vào đó hàng lẩu nóng, thịt cầy dùng với rượu lại được ưa chuộng. Chủ quán cầy trên đường Cống Quỳnh quận 3 cho biết, mấy hôm nay khách đến rất đông.
Lai rai cùng nhóm bạn tại một quán lẩu ở quận Tân Phú, Minh Hải, nhân viên của một công ty truyền thông có quê gốc ở Nghệ An cho biết, "cái lạnh dù chả thấm vào đâu so với ’ngoài kia’, nhưng đối với những người bạn vốn là dân Sài Gòn, lạnh như thế này cũng gọi là rét".
Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi dễ khiến trẻ em và người già trở bệnh hô hấp. Việc giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm khi đi ra đường, tắm bằng nước ấm, đắp chăn lúc ngủ, là thực sự cần thiết.
Theo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, TP HCM đã trở lạnh từ 3 ngày qua. Nguyên nhân là do bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc di chuyển xuống phía Nam. Hiện tượng này khiến Sài Gòn và cả miền Tây Nam bộ có nhiệt độ vào buổi sáng từ 19 đến 23 độ C.
"Nhiệt độ không rét và chỉ tạo cảm giác man mát, tuy nhiên do có gió mùa đông bắc nên cái lạnh dễ được cảm nhận rõ rệt. Nhất là những ngày trước, nhiệt độ buổi sáng khá oi. Đợt rét có thể sẽ kéo dài trong 10 ngày tới", một cán bộ khí tượng thủy văn nói. |
Cao Lâm
Saigonese
Sài gòn nói chung không quá lạnh đến nổi như cắt da ở Hà Nội khi vào đông củng không nóng khủng khiếp như Hà nội khi vào hè vì vậy tôi cho rằng khí hậu Sàigòn là ôn hòa hơn Hà Nôi, khi mùa Noel đến Sài Gòn hơi se lạnh, cảm giác không nơi nào bằng khi thành phố lên đèn trong tiết trời se lạnh và người Sài Gòn đi dạo phố, tôi nhận thấy người Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống hay thốt ra những lời đại để như nhung nhớ về Hà Nội, nhớ thủ đô da diết, nói chung là nhớ đủ thứ về Hà Nội nhưng sự nghiệp và công danh thành công tại Sài Gòn thì chả nghe ai nhắc tới cả, người Sài Gòn đi tới các miền khác ít khi kêu ca nhớ về Sài Gòn cả, kêu ca quá đâm ra sến.
( Sài Gòn )