Công Ty cổ phần Bảo An Khang

Tất cả cho sức khỏe và cuộc sống

  Trực tuyến :  32
  Lượng truy cập :  3164422
 
Tin Tức

 Dự án bô xít Tây Nguyên và những quan ngại

Dự án bô xít Tây Nguyên và những quan ngại

Dự án bô xít Tây Nguyên ngay từ khi bắt đầu triển khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.
>Đối thoại trực tuyến về bô xít Tây Nguyên

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về quặng bô xít dùng để sản xuất nhôm với trữ lượng khoảng trên 5,4 tỷ tấn nguyên khai, tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên. Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn 2025 được Thủ tướng phê duyệt từ 1/11/2007, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tập trung khai thác hai dự án lớn là tổ hợp bô xít - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đăk Nông). Hai dự án này có tổng cộng 13 mỏ bô xít.

Dự án Tân Rai được khởi công vào năm 2008 (công suất thiết kế 650.000 tấn alumin một năm), dự kiến sẽ đi vào hoạt động quý I/2011. Dự án Nhân Cơ (với công suất 650.000 tấn alumin mỗi năm) được khởi công từ tháng 2/2010 và tới tháng 10 năm nay, các đơn vị mới chính thức tiến hành thi công. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2012. Hiện TKV đang tiến hành thi công hồ chứa bùn đỏ, nạo vét xong toàn bộ phần lòng hồ đắp đập và ngăn ô.

Tổng vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 12.000 tỷ đồng, do tập đoàn TKV tự huy động trên thị trường tài chính trong và ngoài nước. Riêng dự án Tân Rai được Chính phủ đầu tư 500 tỷ đồng từ nguồn vốn thu từ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Vốn đầu tư cảng biển Kê Gà, Bình Thuận do TKV huy động trên thị trường tài chính, không có bảo lãnh của Chính phủ.

Chủ đầu tư TKV xin được áp dụng mức thuế suất với alumin là dưới 5% trong 10 năm đầu, với những năm tiếp theo khi giá xuất khẩu alumin dưới 350 USD mỗi tấn thì thuế suất dưới 10%, khi giá xuất khẩu trên 350 USD mỗi tấn sẽ áp dụng mức thuế suất tối đa 15%.

Hai dự án trên theo tính toán của TKV sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá bán alumin trên thế giới hiện ở mức trên 300 USD mỗi tấn và đang có xu hướng tăng. Như vậy chỉ mất khoảng 5-10 năm thôi, TKV sẽ thu hồi được vốn bỏ ra. Hơn nữa, hiện nay, nhiều nước Ả Rập, Nhật Bản, Trung Quốc đã đề nghị mua bô xít từ khi dự án mới được triển khai, TKV đang tính đến phương án phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự hoài nghi về tính toán trên. Họ cho rằng chủ đầu tư đã bỏ qua bài toán chi phí vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla mỗi năm (dự án Tân Rai: 24,6 triệu USD, Nhân Cơ: 38 triệu USD). Đó là chưa tính tiền TKV sẽ phải đầu tư riêng một tuyến đường sắt nối Bảo Lộc xuống cảng Kê Gà để vận chuyển bô xít.

Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá, dự án chỉ mang lại lợi nhuận khi giá bán alumin trên 333,7 USD mỗi tấn. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, theo giá giao nhận ngay của thị trường thế giới thì giá alumin sang năm sẽ không có loại nào bán được trên 270 USD mỗi tấn, kể cả sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế.

Một mối lo lớn hơn đó là 2 dự án bô xít sẽ thải ra 2,4 triệu tấn bùn có tính kiềm cao, làm mất đi thảm thực vật tự nhiên. Nếu không xử lý tốt, bùn đỏ sẽ ngấm vào nguồn nước mặn, nước ngầm và phía hạ du ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như đời sống của người dân.

Ngay từ những năm 1980, khi Việt Nam đưa chương trình khảo sát khai thác bô xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế), chuyên gia khối đã khuyến nghị Chính phủ không nên khai thác bô xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ về sinh thái đối với khu vực và toàn bộ vùng đồng bằng Nam Trung Bộ.

Ngày 9/4/2009, tại cuộc hội thảo về vấn đề bô xít Tây Nguyên do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư bày tỏ quan điểm không nên khai thác dự án bô xít ở Tây Nguyên. Đại tướng nhấn mạnh, đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác bô xít sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, xã hội, và an ninh quốc phòng.

Ảnh: lamdong.gov
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa nên khai thác dự án bô xít. Ảnh: lamdong

Mới đây, sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary càng dấy lên mối lo ngại về hiểm họa môi trường do dự án bô xít Tây Nguyên có thể gây ra. Ngày 9/10, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy... cùng nhiều nhân sĩ nổi tiếng khác, đã đồng tình ký vào văn thư kiến nghị dừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý.

Các nhân sĩ đồng thời đề nghị tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ và đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Những người cùng ký tên vào lá thư này còn đề nghị lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên.

Theo phân tích của những người gửi thư kiến nghị ngừng khai thác bô xít, bùn đỏ bị chôn lấp nếu không chống thấm tốt sẽ có nguy cơ rò rỉ vào mạch nước ngầm. Ngoài ra, động đất hoặc vật liệu làm đập có chất lượng không tốt có thể dẫn đến nguyên nhân làm vỡ đập và từ chỗ xung yếu nhất có thể xé toang ra gây hiểm họa lớn. Giới chuyên gia lo ngại, với một lượng lớn bùn đỏ nằm chênh vênh trên cao nguyên, nếu vỡ hồ, thì không chỉ Tây Nguyên mà toàn bộ Nam Trung Bộ và Đồng Nai sẽ gặp thảm họa lớn.

Tuy nhiên TKV khẳng định, hồ chứa bùn đỏ của Việt Nam an toàn hơn Hungary bởi được chia thành 8 khoang ngăn cách. Trong trường hợp vỡ đập, bùn sẽ bị tràn vào các ô bên cạnh. Cách làm này để tránh trường hợp vỡ đồng loạt cùng một lúc hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra. Ngoài ra, dự án được tính toán chịu được động đất cấp 8, cấp 9 trong khi theo tính toán, động đất lớn nhất của Tây Nguyên chỉ tối đa ở cấp 7. Việt Nam theo mô hình của Brazil và Australia chứ không theo mô hình của Hungary, công nghệ xử lý thải ướt an toàn vì phù hợp với địa hình thung lũng ở Tây Nguyên.

Không chỉ lo lắng về hiệu quả kinh tế, môi trường, giới chuyên gia còn quan ngại về vấn đề an ninh quốc phòng. Dự án bô xít được triển khai tại Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương có vai trò quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Người Pháp từng nói, ai chiếm giữ được Tây Nguyên, người đó có thể làm chủ và khống chế được Đông Dương. Do đó, việc 2 dự án sử dụng nhiều nhà thầu và nhân công lao động nước ngoài tại khu vực Tây Nguyên (tính đến 1/6/2009 có 4 công dân Australia và 663 công dân Trung Quốc) là không an toàn.

Trước lo ngại này, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho hay, số lao động nước ngoài sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Lê Quang Bình cũng khẳng định, các cơ quan quốc phòng, an ninh đảm bảo, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để kiểm soát về dự án bô xít.

Mặc dù được các cấp lãnh đạo cũng như chủ đầu tư đảm bảo về tính an toàn, hiệu quả của dự án song nhiều người vẫn cho rằng, Việt Nam chưa nên khai thác bô xít tại thời điểm này mà hãy đợi đến 20 năm sau.

Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn 2025 được Thủ tướng phê duyệt từ 1/11/2007. Mục tiêu nhằm tới phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bô xít phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở liên quan như giao thông vận tải, cảng biển, điện. Quá trình triển khai chia thành 3 giai đoạn: đến 2010, 2011-2015 và 2016-2025. Trước năm 2015, các dự án sẽ tập trung sản xuất alumina xuất khẩu, sản xuất hydroxyt nhôm (phèn chua) phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sau năm 2015, sản xuất alumina và nhôm điện phân, duy trì sản xuất hydroxyt nhôm. Sản lượng dự kiến sẽ lên tới 13-18 triệu tấn vào năm 2025.

Trong giai đoạn đến năm 2010, Việt Nam dự kiến triển khai 3 dự án alumina gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và 1 dự án hydroxyt nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Hiện TKV đã khởi công dự án Tân Rai với gói thầu EPC nhà máy alumina do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện. Dự án Kon Hà Nừng đang được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Công nghệ Hà Nội thăm dò trên diện tích 68 km2. Riêng dự án hydroxit nhôm, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là chủ đầu tư dự án đang triển khai công tác thăm dò mỏ bô xít Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Đến 2011-2015, dự kiến sẽ đầu tư tiếp 3 dự án alumina Đăk Nông 2 - 3 - 4, với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumina mỗi năm. Các dự án này chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận, dự kiến vào giai đoạn 2014-2015.

TKV và một số chủ đầu tư khác (Công ty cổ phần An Viên) đang hoàn chỉnh thủ tục xin thăm dò 7 mỏ bô xít Đăk Nông, 2 mỏ bô xít Lâm Đồng và 2 mỏ tại Bình Phước. Dự kiến, toàn bộ công tác thăm dò sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2010-2011, đảm bảo có cơ sở tài nguyên tin cậy để lập dự án đầu tư

Kỳ Duyên


Nguồn vnexpress.net
 
Các tin khác cùng mục "Tin Tức"
|
CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO AN KHANG
* Trụ sở chính: B20-20 Khu officetel, Toà nhà Sunrise Cityview Số 33 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Quận 7, TPHCM.
* Điện thoại: ( 028) 62799008 - ( 028) 62799009
© 2011 baoankhang.com - Designed by viettructuyen.com.