Công Ty cổ phần Bảo An Khang

Tất cả cho sức khỏe và cuộc sống

  Trực tuyến :  31
  Lượng truy cập :  3162024
 
Tin Tức

 Bô xít Tây Nguyên được giám sát như siêu dự án quốc gia

Bô xít Tây Nguyên được giám sát như siêu dự án quốc gia

Gần 3 tiếng đối thoại và giải đáp thắc mắc của độc giả VnExpress, đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam và các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm cần tính toán kỹ và giám sát chặt khi triển khai dự án bô xít Tây Nguyên.
> Toàn cảnh dự án bô xít Tây Nguyên / Clip giới thiệu dự án

Hơn 4.000 độc giả đã gửi câu hỏi tham gia buổi đối thoại trực truyến trên VnExpress chiều 28/10 và bày tỏ tâm tư, trăn trở xung quanh việc triển khai dự án bô xít Tây Nguyên.

Tham gia chương trình có ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng ban Nhôm Titan (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam); bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế và ông Nguyễn Văn Ban - Chuyên gia, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm (Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam - cũ).

Không chỉ giải đáp thắc mắc của độc giả, đây là dịp đại diện cơ quan quản lý và chủ đầu tư cung cấp thông tin chi tiết hơn, cập nhật hơn về tình hình dự án, đồng thời trực tiếp lắng nghe phản biện của công chúng. Nhiều đề xuất của các chuyên gia và độc giả đã được lắng nghe và ghi nhận.

Quang cảnh dự án bô xít Tây Nguyên.
Quang cảnh dự án bô xít Tây Nguyên.

- Đề nghị cho biết tổ hợp dự án bô xít Tây Nguyên hiện triển khai đến đâu, liệu có kịp tiến độ đề ra ban đầu? (Phạm Minh Nghĩa, 45 tuổi, PhamMinhNghia@aol.Com)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm titan, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam: Tập đoàn đang triển khai 2 dự án Tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đăk Nông). Riêng dự án Nhân Cơ dự kiến cuối 2012 sẽ hoạt động và đang triển khai theo tiến độ.

Tổng mức đầu tư của dự án Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng là 11.353 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án alumin Nhân Cơ – Đăk Nông là 11.624 tỷ đồng. Trong tổng mức đầu tư trên không tính vốn đầu tư cho việc cải tạo nâng cấp, làm mới hệ thống vận tải ngoài (đường quốc lộ, tỉnh lô,…)

- Diện tích đất phục vụ cho dự án này là bao nhiêu nghìn mét vuông, tương đương với bao nhiêu vùng sinh thái tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng để phục vụ dự án? Số bùn đỏ sau khi khai thác là bao nhiêu triệu tấn? Cần bao nhiêu năm và bao nhiêu tiền để phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên như trước khi khai thác? (Lê Minh, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Diện tích đất phục vụ cho dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng (tính trong 30 năm) khoảng 2.853 ha (chiếm khoảng 0,3% diện tích của tỉnh Lâm Đồng). Trong đó, diện tích đất sử dụng lâu dài (nhà máy, hồ bùn đỏ, hồ thải quặng đuôi, đường giao thông,..) khoảng 1.233 ha. Diện tích đất sử dụng tạm thời (khu vực khai thác) khoảng 1.620 ha.

Với dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông (tính trong 30 năm), diện tích sử dụng khoảng 2.491 ha (chiếm khoảng 0,4% diện tích của tỉnh Đăk Nông). Trong đó diện tích đất sử dụng lâu dài (nhà máy, hồ bùn đỏ, hồ thải quặng đuôi, đường giao thông,..) khoảng 883 ha. Diện tích đất sử dụng tạm thời (khu vực khai thác) khoảng 1.608 ha.

Quá trrình phục hồi môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình khai thác mỏ (vì đặc thù mỏ bô xít là khai thác đến đâu là hết quặng đến đấy, nên có thể tiến hành phục hồi môi trường luôn, ngoài ra còn cộng thêm khoảng 3-5 năm sau khi kết thúc khai thác) và đóng các hồ bùn đỏ, hồ thải quặng đuôi... Trong dự án chúng tôi đã tính các chi phí này, ngoài các khoản chi phí cho các công trình bảo vệ môi trường còn tính chi phí phục hồi môi trường khoảng 1-2% tổng giá thành sản suất.

- Sau bao nhiêu năm chúng ta sẽ khai thác hết số quặng bô xít ở Tây Nguyên? (Phạm Minh Nghĩa, 45 tuổi, PhamMinhNghia@aol.Com)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Trữ lượng và tài nguyên bô xít ở Việt Nam rất lớn, vào khoảng 5,4 tỷ tấn. Trong đó vùng Đăk Nông và Lâm Đồng khoảng 4,4 tỷ tấn. Theo xếp hạng của Cục địa chất Mỹ năm 2010 về trữ lượng và tài nguyên bôxit thì Việt Nam được xếp vào hàng thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Với kịch bản sản suất 5 triệu tấn alumin/năm, thì phải 200 năm mới khai thác hết số quặng bô xít ở Tây Nguyên.

- Khi Dự án đi vào sản xuất, có bao nhiêu lao động tham gia trực tiếp và gián tiếp trong nhà máy, trong đó có bao nhiêu lao động là người địa phương? (Tranninh, Tranninh@vinafpa.Org.Vn)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Khi dự án đi vào sản xuất (công suất 650.000 tấn alumin/năm) sẽ thu hút khoảng 2.000 người lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng 1.750 lao động trực tiếp), chưa kể sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác như: cơ khí, xây dựng, dịch vụ.

- Tôi xin hỏi ông Quân, Việt Nam hiện nay thiếu điện nghiêm trọng, mà khai thác bauxite và sản xuất nhôm thì cần rất nhiều điện. Vậy Bộ Công Thương có nguồn điện bổ sung nào ngay cho các nhà máy nhôm này? (Nguyễn Thành, Hà Nội)

- Nhôm kim loại là sản phảm chế biến sâu cuối cùng của quặng bô xít và được SX bằng Phương pháp điện phân Alumina (ô xit nhôm) trong các bể điện phân. Đặc điểm quan trọng của công nghệ SX nhôm điện phân là tiêu hao điện năng rất lớn (bình quân khoảng 13-14.000 kwh mỗi tấn nhôm). Trên thế giới đã tổng kết để điện phân nhôm có hiệu quả kinh tế thì giá điện phải nhỏ hơn 5 cent mỗi kwh. Đúng là hiện nay và trong tương lai gần ta vẫn thiếu điện; giá điện cho công nghiệp hiện nay trung bình khoảng 5 cent mỗi kwh và sẽ gia tăng trong giai đoạn tới. Với cơ sở như vậy, việc sản xuất nhôm kim loại với việc sử dụng nguồn điện quốc gia là không khả thi.

Với kinh nghiệm của các Tập đoàn nhôm trên thế giới như Alcoa, Rio Tinto, BHP Billiton, Chalco, Valve, … thì giải pháp đầu tư “tích hợp”: mỏ tuyển - alumina - nhà máy điện - điện phân nhôm thành tổ hợp dây chuyền thống nhất với mô hình hạch toán chi phí đầy đủ đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở kinh nghiệm thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Chủ đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư nhà máy điện phân nhôm tích hợp với nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 với công suất 140 MW nhằm đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước từ nay đến 2020. Mặt khác, trong quá trình hội nhập, Chủ đầu tư đang tích cực xem xét khả năng đầu tư nhà máy điện phân nhôm ở nước ngoài, nơi có nguồn điện dồi dào, giá hợp lý. Hiện nay khu vực Trung Đông là nơi đang được chủ đầu tư xem xét khả năng hợp tác đầu tư Nhà máy điện phân nhôm, sử dụng alumina sản xuất tại Việt Nam.

Phần I: Hiệu quả kinh tế

Đối thoại trực tuyến về dự án bô xít Tây Nguyên trên VnExpress chiều 28/10. Ảnh: Hoàng Hà
Đối thoại trực tuyến về dự án bô xít Tây Nguyên trên VnExpress chiều 28/10. Ảnh: Hoàng Hà

- Quặng bô xít khai thác được sẽ để sản xuất nhôm tại trong nước hay xuất khẩu? Chúng ta có tính toán hết các chi phí và biết được chính xác giá thành 1 tấn alumina là bao nhiêu không? Nếu xuất khẩu thì có lãi không?(Tranninh, Tranninh@vinafpa.Org.Vn)

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương: Giai đoạn đầu xuất khẩu 100%, vì chưa dự kiến đầu tư nhà máy điện, điều kiện chưa cho phép. Giai đoạn tiếp theo sẽ nghiên cứu đầu tư tổng hợp nhà máy điện phân nhôm. Kinh nghiệm thế giới đầu tư tổ hợp đồng bộ, nhà máy điện, nhà máy điện phân nhôm... thì sẽ đầu tư hiệu quả. Giai đoạn 2 khoảng 2015-2016.

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Dự án đã tính đủ các chi phí với giá thành tiêu thụ khoảng 265 USD mỗi tấn alumin (dự án Lâm Đồng) và 287 USD tấn alumin (Dự án Nhân Cơ). Và với giá bán khoảng 315 USD/tấn alumin (Dự án Lâm Đồng) và 330 USD/tấn alumin (Dự án Nhân Cơ) thì dự án sẽ có hiệu quả. Giá bán alumin tháng 10/2010 theo LME khoảng 330 USD/tấn alumin. Giá bán theo dự báo của cơ quan nghiên cứu thị trường Metalbulletin thì gía alumin từ 2011- 2020 sẽ tăng từ 340 USD/tấn alumin – 650USD/tấn alumin. Như vậy với giá dự báo như trên thì các dự án trên sẽ có hiệu quả kinh tế cao.

- Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: Tôi muốn hỏi Bộ Công Thương nếu dự án này chậm tiến độ thì các chi phí sẽ tính ra sao? Nếu dự án này chưa an tâm về hiệu quả kinh tế, có nên dừng dự án hay không?

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Tổng mức đầu tư của dự án Nhân Cơ xấp xỉ 600 triệu đô. Có nên dừng ý kiến không, tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của chị cũng như độc giả. Nếu ta chưa yên tâm về hiệu quả thì đúng là phải dừng dự án. Nhưng để quyết định đầu tư dự án có 3 yếu tố khả thi về kinh tế, khả thi về kỹ thuật với Tây Nguyên còn là yếu tố môi trường. Nếu như chúng ta đảm bảo an toàn tuyệt đối cả 3 yếu tố này thì tại sao lại phải dừng?

- Thưa ông Quân, nếu chúng ta có nền công nghiệp đang phát triển cần sử dụng lượng lớn alimina, hydroxyt nhôm (phèn chua) mà không thể nhập khẩu thì chúng ta có thể khai thác để giảm chi phí. Nhưng ở đây chúng ta chỉ sản xuất ra nguyên liệu để phục vụ sản xuất cho các nước khác, bán với giá thấp rồi nhập lại các thành phẩm giá cao, sự chênh lệch này khá cao và không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế cao như chúng ta nghĩ. Ông nghĩ sao? (Trần Trọng Hùng, Tây Ninh)

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Việc lựa chọn sản phẩm chế biến từ quặng bô xít được xem xét và quyết định trên cơ sở tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế. Nhôm kim loại là sản phảm chế biến sâu cuối cùng của quặng bô xít và được sản xuất bằng phương pháp điện phân alumina (ô xit nhôm) trong các bể điện phân. Đặc điểm quan trọng của công nghệ sản xuất nhôm điện phân là tiêu hao điện năng rất lớn (bình quân khoảng 13-14.000 kwh mỗi tấn nhôm). Trên thế giới đã tổng kết để điện phân nhôm có hiệu quả kinh tế thì giá điện phải nhỏ hơn 5 cent mỗi kwh. Điều kiện của Việt Nam hiện nay và trong tương lai gần vẫn thiếu điện. Giá điện cho công nghiệp hiện nay trung bình khoảng 5 cent mỗi kw và sẽ gia tăng trong giai đoạn tới. Với cơ sở như vậy, việc sản xuất nhôm kim loại với việc sử dụng nguồn điện quốc gia là không khả thi.

Alumina (Ôxit nhôm) là sản phẩm chế biến từ quặng bôxit và là nguyên liệu để sản xuất nhôm kim loại. Hiện nay chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện để sản xuất alumina, thị trường có nhu cầu, kết quả tính toán và thẩm định cho thấy dự án có tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo an toàn về môi trường, vì vậy, chủ trương trong giai đoạn đầu (giai đoạn thử nghiệm) tập trung sản xuất ra alumina để xuất khẩu là hợp lý. Một số nước có nền công nghiệp phát triển hơn ta nhiều như Australia, Brazil cũng sản xuất alumina để xuất khẩu.

Trên cơ sở kinh nghiệm thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Chủ đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư nhà máy điện phân nhôm tích hợp với nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 với công suất 140 MW nhằm đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước từ nay đến 2020. Mặt khác, trong quá trình hội nhập, chủ đầu tư đang tích cực xem xét khả năng đầu tư nhà máy điện phân nhôm ở nước ngoài, nơi có nguồn điện dồi dào, giá hợp lý. Hiện nay khu vực Trung Đông là nơi đang được chủ đầu tư xem xét khả năng hợp tác đầu tư Nhà máy điện phân nhôm, sử dụng alumina sản xuất tại Việt Nam.

- Chi phí dự toán ban đầu là 600 triệu USD, nhưng hiện đã có thể nhìn trước những chi phí làm đội dự toán. Vậy con số tổng đội lên ước chừng là bao nhiêu? Chi phí gia tăng như vậy có vượt tầm kiểm soát của TKV không? (Phạm Văn, Đồng Nai)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Gói thầu EPC 466 triệu đô đã thực hiện gần xong. Khi tính tổng mức đã có dự phòng. Dự phòng theo đền bù, trượt giá, tăng lên tới 19-20.000 đồng. Chi phí không lường được đã tính theo dự phòng và chúng tôi chưa bị vượt quá tổng mức.

Ông Nguyễn Thanh Liêm. Ảnh: Hoàng Hà

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Trong quá trình thi công có những phát sinh, được tính là mức độ rủi ro của dự án, như giá bán, chế độ thuế khóa, chi phí giá thành. Tăng mức đầu tư tất sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, nhưng với dự án này IR chỉ giảm xuống hơn một phần trăm.

- Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm (Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam - cũ): Tổng mức đầu tư TKV thông báo rất nhiều lần nhưng không bao giờ chuẩn. Ban đầu tính là 628 triệu USD nhưng sau đó là 714 triệu USD. Sau đó, Ban dự án nhôm của Tân Rai tính ra là 14.000 tỷ đồng, thì tính ra là 800 triệu USD. Tôi xin hỏi là còn có phát sinh nữa không? Vậy con số nào là chính xác. Tại sao một dự án như thế này mà chủ đầu tư lại không nắm được? Như vậy làm kinh doanh thì sao có thể chuẩn được?

- Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng muốn biết, tại sao lại có những con số khác như anh Ban vừa nêu. Ở các tình huống rất rõ, tại sao lại có sự chênh như vậy?

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 11.353 tỷ đồng (17.000 mỗi USD) cho dự án nhôm - bô xít Lâm Đồng. Gói EPC không thay đổi. Chỉ có giá đền bù tăng do nghị định 69. Mặc dù có một số thay đổi nhưng tôi cho rằng tính tin cậy của dự án rất cao.

- Nếu tiền đền bù cho 1ha đất hoa màu chỉ khoảng 1-1,2 tỷ đồng thì không đáng, với số tiền này chúng tôi chỉ trồng café trong 4 năm là có mà vẫn giữ được đất và môi trường (3,5 tấn/ha * 32.000 đồng). Mong ông giải thích giúp? (Phuong Phuong, Lamdong29@yahoo.Com)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Theo đặc điểm chất đất của từng địa phương, cây công nghiệp chủ yếu khu vực vùng dự án ở Đăk Nông là cà Phê và ở Lâm Đồng là chè. Đối với cà phê ở Đăk Nông, năng suất cao nhất là 2,5 tấn/ha/năm, thấp hơn nhiều so với ở Đăk Lắc, do ảnh hưởng của quặng bô xít. Giá bán trung bình trong 3 năm gần đây là 25.000 đồng/kg. Với giá 32.000 đồng/kg như bạn nói thì doanh thu cũng chỉ là 80 triệu đồng/ha/năm. Trừa các chi phí, lợi nhuận chỉ là 20 triệu đồng/năm. Trong 4 năm cũng chỉ thu được 80 triệu đồng/ha. Đối với chè tươi ở Lâm Đồng, các tính toán của phòng nông nghiệp địa phương cũng cho thấy lợi nhuận thu được trong 4 năm là 34 triệu đồng/ha. Đấy là chưa kể hai sản phẩm cà phê và chè trên của Đăk Nông và Lâm Đồng hiện đều đang được ưu đãi thuế (không phải nộp thuế) và nhà nước còn phải hỗ trợ rất nhiều mặt cho các hộ trồng cây cà phê và chè.

- Tôi làm nghề vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường biển 20 năm nay, tiền công chở một chuyến hàng từ Tân Rai xuống cảng gần nhất (khoảng 200 km) hiện là 7 triệu đồng một chuyến xe 25 tấn. Như vậy, nếu TKV bán bô xít theo giá FOB tại cảng Việt nam thì chi phí vân tải đường bộ là 280.000 đồng một tấn (tương đương 14,35 usd/tấn). Nếu tính cả chi phí bốc xếp, kho bãi, thì phải lên tới 20 USD một tấn. Như vậy không hiệu quả. Các ông tính tới điều này chưa? (Phó Giám Đốc Công Ty Logistic, TP HCM)

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chi phí vận tải của Tân Rai, trong kiểm tra giá thành, tôi yêu cầu phải tính đúng, tính đủ. Với dự án Tân Rai, chúng tôi tính vận chuyển là đường bộ. Vận chuyển một năm của Tân Rai khoảng 1,3 triệu tấn, chi phí vận tải chiếm 15% so với giá thành. Với dự án Nhân Cơ, giá thành 287 USD một tấn, chi phí vận tải 45 USD. Tân Rai hội đồng không thẩm tra, các anh tính ra là khoảng 35 USD chi phí vận tải cho một tấn sản phẩm. Với chi phí như vậy, chúng tôi thấy rằng vẫn có hiệu quả.

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Dự án đã tính đầy đủ chi phí vận chuyển nguyên nhiên vật liệu từ cảng Gò Dầu – Đồng Nai (than, xút, vôi,..) lên nhà máy và chi phí vân chuyển alumin từ nhà máy xuống cảng để đưa đi tiêu thụ với chi phí vận tải khoảng 340.000 đ/tấn và dự án vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

- Ông Nguyễn Văn Ban: Như vậy một tấn alumin sẽ lãi được bao nhiêu đôla trong bài tính kinh tế của dự án Tân Rai?

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Dự án Tân Rai với giá bán alumina là 315 USD một tấn , giá thành 265 USD một tấn, thuế suất 20%, trong khi đó các nước khác trên thế giới áp dụng 0%. Phương án đường bộ đã được tập đoàn khảo sát đảm bảo vận tải, dự kiến từ 2011 đến 2015 sản phẩm của Tân Rai sẽ đi về cảng Gò Dầu với cung đường 210 km. Còn địa điểm Nhân Cơ về Gò Dầu sẽ trong khoảng 280 km, nếu đi từ Nhân Cơ qua Biên Hòa về Gò Dầu thì khoảng 260 km.

Chuyên gia Phạm Chi Lan. Ảnh: Hoàng Hà
Chuyên gia Phạm Chi Lan. Ảnh: Hoàng Hà

- Bà Phạm Chi Lan: Giá các anh tính xuất khẩu như vậy chỉ tính trên giá tại cảng Việt Nam (giá FOB). Nhưng chi phí vận chuyển lại được giữ nguyên, không tính đến biến động. Như vậy có ổn không?

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Vâng, đây là giá FOB. Hiện chi phí vận chuyển là 2.500 đồng một km. Tất nhiên là sau này nguyên liệu đầu vào cũng biến động. Nhưng nguyên tắc tính của mình nói chung là tính ở một thời điểm.

- Ông Nguyễn Văn Ban: Các anh có nói giá thành là trung bình của cả đời dự án nhưng còn giá thành của 10 năm đầu thì diễn biến như thế nào? Bởi 10 năm đầu là nặng nề nhất về mặt tài chính đối với một dự án, 10 năm đầu ấy có lãi hay không?

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Tôi có thể cung cấp cho anh giá thành từng năm một. Phải có bản cân đối tài chính từng năm một. Đầu tư này hoàn toàn vốn vay. Cơ cấu vốn là 30% của chủ sở hữu, 70% vốn vay thương mại.

- Ông Nguyễn Văn Ban: Lúc nãy tôi hỏi anh trả lời hơi chệch một chút. Tôi muốn hỏi, giá thành của năm thứ 10 của dự án là bao nhiêu? Nếu chúng ta bán vào năm thứ 10 đó thì đã có lãi chưa?

- Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng băn khoăn về điều này và nhất trí với những thắc mắc của anh Ban, vì vậy Bộ Công Thương và TKV cần phải tính toán kỹ vì vốn vay cho dự án chiếm tỷ lệ rất lớn.

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Giá alumni bình quân năm nay là 210 USD một tấn. Theo dự báo của tổ chức Metal Bullatin Research mới đây dự đoán giá vào 2015 là 440 USD một tấn và năm 2020 là 650 USD. Đầu vào so với đầu ra thì rõ ràng đầu ra tăng nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi chỉ hoàn toàn tính cho 30 năm, nhưng chắc chắn dự án sẽ kéo dài trên 50 năm. Thực tế ra khấu hao thiết bị chỉ 10 đến 20 năm. Càng những năm về sau chắc chắn những thiết bị sẽ hết khấu hao, mà khấu hao là chiếm lớn nhất trong giá thành. Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ tăng 7,12%). Về thuế xuất khẩu, thuế xuất khẩu alumni có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án do 100% sản phẩm alumni dự kiến xuất khẩu. Nếu thuế suất xuất khẩu giảm xuống mức 10%, IRR giảm 12%.

- Ông Nguyễn Văn Ban: Hồi anh Liêm cung cấp số liệu cho Nhân Cơ thì có một kịch bản khác. Lúc trước thì giá bán là 310 USD thì rủi ro là rất lớn, chỉ thay đổi một chút là sập ngay. Bây giờ giá bán hiện tại có tăng lên rồi nhưng mà cũng có nhiều yếu tố khác cũng tăng lên. Trước đó là anh Liêm tính toán là rất rủi ro. Bây giờ anh Liêm tính lại có vẻ tốt hơn. Tôi muốn hỏi là lý do vì sao? Tôi xin hỏi thêm, hệ số chiết khấu trước đây lúc nào cũng lấy là 9,41; bây giờ lấy hệ số chỉ có 8 thôi. Tại sao lại giảm hệ số chiết khấu?

- Bà Phạm Chi Lan: Chính vì có những vấn đề về tính toán chi phí nên những người nghiên cứu như chúng tôi phải lo lắng. Thông thường ở góc độ Nhà nước, hay nhà đầu tư, người ta phải tính cả chi phí cơ hội nữa. Tức là phải tính đến việc cùng số tiền đó, bỏ vào dự án khác thì hiệu quả ra sao. Đúng là các anh có mời Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng tính toán, kiểm tra. Nhưng họ chỉ kiểm tra trong khuôn khổ dự án đó thôi, không so với dự án khác thì khó có khả năng chính xác.

Tôi cũng cho rằng các anh không nên so sánh chuyện giá đền bù với lợi ích mà người dân thu được từ chè, cà phê. Bởi nó còn liên quan đến cuộc sống sau này của họ nữa. Thực tế cũng cho thấy rằng, từ trước đến nay, tỷ lệ người dân có được việc làm từ dự án lấy đất của họ là không cao.

Ông Nguyễn Mạnh Quân.
Ông Nguyễn Mạnh Quân. Ảnh: Hoàng Hà

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng tôi đã yêu cầu rà soát kiểm tra kỹ, phải thẩm tra bằng số liệu cụ thể chứ không thể bằng lời. Chỉ số chiết khấu 8%, chủ yếu do lãi suất vay ngoại tệ. Nếu bây giờ vay USD, hệ cố này là khoảng 7%/năm.

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Trong tính toán hiệu quả kinh tế dự án, ngoài phần trượt giá, biến động giá. Giá bán sẽ vẫn cố định 315 USD, giá thành biến động không nhiều.

- Thưa ông Quân, tại sao Chính phủ không đưa chi phí 3 tỷ USD làm đường từ Tây Nguyên xuống cảng vào tổng vốn dự án Bô xít mà coi đây là đầu tư cho phát triển của khu vực Tây Nguyên? Nếu giả định không có dự án Bô xít thì liệu có phải đầu tư lớn như vậy cho giao thông của Tây Nguyên? (Hoàng Tư Khoa, Ninh Bình)

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Tôi hiểu ý của bạn muốn đề cập đến tuyến đường sắt từ Tây Nguyên ra cảng biển của dự án. Tôi xin làm rõ như sau. Hiện nay, Tập đoàn TKV đang triển khai dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ; việc vận chuyển alumina của 2 dự án này (khoảng 1,3 triệu tấn năm) và nguyên vật liệu khác được thực hiện bằng phương thức vận tải ôtô (là phương thức duy nhất trong bối cảnh hiện nay). Theo tính toán thì mạng giao thông vận tải đường bộ (vận tải ôtô) chỉ đáp ứng đủ năng lực để phục vụ vận tải cho dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Chi phí vận tải của dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ được tính toán cho phương án vận tải đường bộ (vận tải ôtô). Về lâu dài, muốn phát triển các dự án alumina khác, hoặc gia tăng sản lượng của 2 dự án Tân Rai và Nhân cơ thì phải xem xét thêm các phương án vận tải khác. Phương án vận tải đường sắt là phương án hiện thực trong điều kiện xây dựng các nhà máy alumina tại khu vực mỏ, nơi có nguồn nguyên liệu quặng bô xít.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị Tư vấn chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải lập Báo cáo đầu tư tuyến vận tải đường sắt trên. Dự kiến thiết kế tuyến đường sắt đa dụng, không chỉ vận chuyển nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm của các dự án bô xít, mà còn đảm nhận việc vận chuyển và thông thương hàng hoá, hành khách giữa khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Nam Trung Bộ. Theo tính toán sơ bộ, vốn đầu tư tuyến đường này khoảng 3,3 tỷ USD (trong đó giai đoạn 1 khoảng 1,7-2 tỷ USD).

Hiện nay, đơn vị Tư vấn đang hoàn chỉnh Báo cáo đầu tư để trình Chính phủ xem xét, trong đó sẽ đề xuất giải pháp về cơ chế đầu tư và vận hành tuyến đường… Thông tin về việc Chính phủ đầu tư tuyến đường trên từ nguồn ngân sách là không đúng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Ban. Ảnh: Hoàng Hà
Chuyên gia Nguyễn Văn Ban. Ảnh: Hoàng Hà

- Ông Nguyễn Văn Ban: Thực tế mà nói không có tuyến đường sắt 3,3 tỷ USD trong tương lai gần. Vậy 2 nhà máy không có đường sắt, sản phẩm làm ra sẽ rất đắt, khó có tính cạnh tranh. Sản phẩm có bị mắc kẹt không? Tân Rai xây rồi, Nhân Cơ chưa xây, có nên chuyển Nhân Cơ ra bờ biển không? Anh nghĩ như thế nào?

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Hiệu quả kinh tế phải thể hiện con số cụ thể. Dự án Nhân Cơ chúng tôi tính vận chuyển bằng đường bộ suốt đời dự án 30 năm và thấy rằng có hiệu quả. Chúng ta đã thử nghiệm ở Tân Rai rồi.

- Bà Phạm Chi Lan: 30 năm mà các anh vẫn tính có hiệu quả ư? Những gì anh Quân nói lại là khía cạnh khác, không phải cứ đào tài nguyên lên bán là đời sống dân giàu lên. Người dân Quảng Ninh bao lâu nay bán than nhưng đời sống dân không giàu lên nhờ đó mà họ phải làm du lịch và nhiều ngành nghề khác vì thế đời sống của họ khá hơn. Theo tôi, chúng ta không thể nói rằng vì đời sống dân Tây Nguyên nghèo mà chúng ta triển khai dự án này vì những người chưa đồng tình với dự án vậy họ không muốn đời sống người dân khá hơn hay sao. Nói như thế là không đúng. Bằng chứng nhãn tiền là TKV đang khai thác than ở Quảng Ninh...

- Tập đoàn TKV đã khai thác than ở Quảng Ninh và cũng hiện hết sức khó khăn để khắc phục môi trường vùng đất này. Ông nghĩ TKV có khả năng trả lại nguyên trạng vùng đất rộng lớn họ đã khai thác trên khu vực Tây Nguyên (vùng đất có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn) hay không? (Khoadinh, Dangkhoa_2003@hotmail.Com)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Hiện nay có nhiều khái niệm mà độc giả hiểu nhầm. Nếu bán tinh quặng không qua luyện thì tôi chưa thấy từ điển nào nói. Mong muốn có thể làm đến nhôm nhưng do điện của chúng ta không ổn định và giá quá đắt nên làm nhôm không hiệu quả. Nên tôi cho rằng chỉ nên làm đến alumin, tôi lưu ý đây là thành phẩm, đạt 98,6 sản lượng nhôm.

Nói người dân không được hưởng lợi là không đúng. Quảng Ninh phát triển nhờ than. Tây Nguyên cách đây 3 năm khác bây giờ nhiều. Nay sản phẩm của bà con được bán ra rất đắt đỏ hơn cả ở khu Bờ Lộc. Giá trị về đất đai cũng tăng lên rất nhiều lần. Trường học, cơ sở hạ tầng đã được nâng lên rất nhiều.

- Thưa đại diện Bộ Công Thương và TKV, các ông phản bác thế nào về ý kiến của ông Đoàn Văn Kiển (cựu chủ tịch TKV) : “ Dự án 5 ăn 5 thua ?” Và về phản biện của TS Tô Văn Trường : “Dự án từ lỗ tới lỗ ?” (Võ Thị Dung Thùy, Thuydungvo96@yahoo.Com)

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Đây là lời phát ngôn trong một cuộc phỏng vấn. Ông Kiển muốn ví von hình tượng là 5-5. Nhưng tôi cho rằng, hơn ai hết, ông Kiển là người hiểu dự án. Tôi chắc chắn rằng, ý ông Kiển là dự án hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, dự án cũng có những mức độ rủi ro nhất định. Vì khi đó, vào thời điểm cách đây vài năm, dự án chưa có những tính toán chi tiết. Về câu nỏi của ông Trường: tôi cũng cho rằng ý ông có những rủi ro. Còn chúng tôi vẫn tin dự án hoàn toàn khả thi.

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Kết quả tính toán và thẩm định hiệu quả kinh tế dự án Tổ hợp bô xít Nhân Cơ cho thấy dự án có hiệu quả kinh tế, mức độ rủi ro thấp. Với cơ chế-chính sách hiện hành (cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay=30/70, phí môi trường là 30.000 đồng/tấn quặng nguyên khai, thuế suất thuế xuất khẩu alumina là 20% v.v); phương thức vận chuyển đường bộ; giá thành sản xuất toàn bộ trung bình 1 tấn alumina là 287,6 USD/tấn, giá bán (spot) trung bình là 335 USD/tấn alumina, dự án đảm bảo tính khả thi cho chủ đầu tư (NPV > 0; IRR: 8,24%); thời gian thu hồi vốn của dự án là 12,4 năm trong tổng số 30 năm tồn tại của dự án (thực tế dự án sẽ tồn tại trên 50 năm).

Giá bán sản phẩm tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh tế của dự án và phụ thuộc vào thị trường chung của thế giới. Tuy nhiên, theo kết quả dự báo thị trường của Metal Bulletin Research vào tháng 6 năm 2010 cho thấy giá alumina dự kiến tăng từ 310 USD/tấn năm 2010 đến 440 USD/tấn vào 2015 và 650 USD/tấn vào 2020. Với giá bán tăng lên đến 30% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020 so với giá thẩm định (335 USD/T) và chi phí một số yếu tố đầu vào (than, điện, vận tải v.v.) đầu vào tăng tối đa khoảng 20% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020 cho thấy khả năng dự án có hiệu quả đến năm 2020 là có cơ sở tin cậy.

- Bà Phạm Chi Lan: Tôi vẫn không thấy thuyết phục với những điều ông Quân vừa nói. Vậy Nhà nước hoàn toàn có thể giúp cho đời sống của người dân Tây Nguyên khá hơn bằng cách trực tiếp bỏ tiền ra để hỗ trợ phương tiện, cải tạo sản xuất giúp bà con nâng cao năng suất, cây trồng, trồng trọt được đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm để các sản phẩm cafe, chè của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đó mới là sự hỗ trợ thiết thực nhất. Người dân vẫn có thể làm giàu trên nền tảng của sản xuất, văn hóa, môi trường và những gì họ đang có, chứ không phải giúp đỡ bằng cách đảo lộn đời sống, sinh hoạt, môi trường, văn hóa của họ lên. Tôi đồ rằng những người được mời tính cho dự án chỉ tính riêng cho dự án này chứ không phải tính tổng thể và chịu đến cùng về những tính toán của họ. Vậy sau này không thành công họ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào? Tôi muốn nghe ý kiến từ Bộ Công Thương.

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Tôi cũng rất chia sẻ với chị Chi Lan. Là thành viên trong hội đồng thẩm định, chúng tôi cực kỳ chịu áp lực. Tôi đã nói với Viện Kinh tế phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra, vì xã hội săm soi dự án này quá nhiều bởi nó quá nhạy cảm. Chúng tôi ý thức được điều đó. Với dự án khác có thể có chuyện này chuyện kia, nhưng riêng với dự án bô xít tôi khẳng định không có chuyện cơ quan thẩm tra chịu một sự chỉ đạo nào cả.

Xem tiếp:
> Phần II: Công nghệ và Tác động môi trường
> Phần III: Tác động xã hội và An ninh quốc phòng

VnExpress.net


Nguồn vnexpress.net
 
Các tin khác cùng mục "Tin Tức"
|
CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO AN KHANG
* Trụ sở chính: B20-20 Khu officetel, Toà nhà Sunrise Cityview Số 33 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Quận 7, TPHCM.
* Điện thoại: ( 028) 62799008 - ( 028) 62799009
© 2011 baoankhang.com - Designed by viettructuyen.com.